Tối ngày 20/05/2018, tại Saigon Innovation Hub, Xanh Foundation đã tổ chức buổi toạ đàm Khoa học và công chúng: vì ta cần có nhau. Buổi toạ đàm có sự tham gia của gần 40 người, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực sức khoẻ.
Tại buổi toạ đàm, TS Giang Thuý Minh (Đại học Hoa Sen) đã giới thiệu về các ngành khoa học hiện nay cùng những tác động tích cực mà khoa học mang lại cho cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta, đặc biệt là giúp con người đẩy lùi sự sợ hãi trước những điều mình chưa biết. Diễn giả Minh cũng giới thiệu về tổ chức Vietnam Journal of Science (VJS) chuyên hoạt động trong lĩnh vực chuyển tải thông tin khoa học đến với công chúng thông qua ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu.
Ở phần trình bày tiếp theo, diễn giả Phùng Khánh Lâm (Xanh Foundation) đã bàn về tác động của công chúng đối với nghiên cứu khoa học thông qua ba mô hình tương tác giữa công chúng và nghiên cứu khoa học. Ở mô hình truyền thống, công chúng chỉ có vai trò tiếp nhận một cách thụ động mà không có ảnh hưởng trực tiếp nào trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên với mô hình gây quỹ cộng đồng (crowdfunding), công chúng đã có thể tác động trực tiếp đến việc thực hiện nghiên cứu khoa học qua việc hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu. Ở đây, nhà nghiên cứu buộc phải lựa chọn những chủ đề nghiên cứu phù hợp, đồng thời chủ động tương tác với công chúng và làm mọi cách để công chúng hiểu và ủng hộ cho dự án nghiên cứu của mình. Một mô hình khác là mô hình công dân khoa học (citizen science), trong đó công chúng có thể trực tiếp tham gia vào quá trình tiến hành nghiên cứu bằng việc tham gia thu thập số liệu, thậm chí là phân tích số liệu và công bố kết quả. Những mô hình này cho thấy công chúng hoàn toàn có thể có những tác động tích cực trong toàn bộ quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học, chứ không chỉ có vai trò tiếp nhận thụ động như trong mô hình truyền thống. Mô hình gây quỹ cộng đồng và mô hình công dân khoa học mở ra cơ hội để vừa thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa nhà khoa học và công chúng trong thời đại hiện nay.
Buổi toạ đàm còn có sự tham gia và phần trình bày của TS Võ Bích Hiển (Đại học Việt Đức) về giải pháp nhằm xây dựng bản đồ bụi tại TP HCM. Đây là một dự án theo mô hình công dân khoa học, theo đó, công chúng có thể trực tiếp tham gia vào việc xây dựng bản đồ bụi này bằng cách đặt cảm biến theo dõi nồng độ bụi tại nhà. Nếu thành công, đây sẽ là cơ sở để xây dựng các công cụ giúp người dân hiểu hơn về tình hình nhiễm bụi, có cách thức để đối phó cũng như giảm thiểu tác động có hại của khói bụi, đồng thời giúp chính quyền đề ra các chính sách để giải quyết vấn đề này tại TP HCM.
Tại buổi toạ đàm, người tham dự đã nêu lên một hạn chế lớn của việc áp dụng mô hình gây quỹ cộng đồng và công dân khoa học tại Việt Nam là sự thiếu niềm tin giữa công chúng đối với nhà khoa học. Phát xuất từ yếu tố truyền thống văn hoá, sự xa cách về ngôn ngữ thể hiện, và sự lỏng lẻo trong cách thực hiện và quản lý nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, việc kêu gọi sự hỗ trợ và tham gia của công chúng vào các hoạt động nghiên cứu khoa học là hết sức khó khăn. Người tham dự cũng đề xuất cần định nghĩa rõ thế nào là công chúng, vì trong khái niệm công chúng này, có nhiều nhóm đối tượng khác nhau với sự hiểu biết, sự quan tâm cũng như khả năng đóng góp khác nhau cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy có những khó khăn, người tham dự cũng chỉ ra mô hình gây quỹ cộng đồng rất có triển vọng tại Việt Nam, đặc biệt là cho các dự án nghiên cứu đến từ các bạn sinh viên hay nhà khoa học trẻ, trong bối cảnh nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu trong nước rất hạn hẹp. Vì vậy, sự ra đời của các đơn vị có khả năng tổ chức việc gây quỹ cộng đồng cho nghiên cứu khoa học tại Việt Nam là hết sức cần thiết.