Giúp trẻ đọc và phát triển ngôn ngữ tại nhà


  • Ghi chép: Phùng Khánh Lâm
  • Ngày: 2018-11-06
  • Hoạt động: reading

Vừa được dự một tiếng đồng hồ rất hữu ích để học hỏi về cách giúp trẻ đọc và học ngôn ngữ tại nhà từ các thầy cô giáo của trường tiểu học Benjamin Franklin tại Lawrence Township. Xin được chia sẻ với những ai quan tâm về một số ý mà mình thấy rất hữu ích:

Read aloud

  • Theo tốc độ của trẻ
  • Để trẻ tự do (không nhất thiết phải ngồi yên một chỗ, trẻ có thể đứng/ngồi/nằm tuỳ theo sở thích của trẻ)
  • Tương tác chủ động với trẻ, đặt câu hỏi để khuyến khích trẻ trao đổi: mô tả hình vẽ, thể hiện cảm xúc, thể hiện suy nghĩ, dự đoán nội dung câu chuyện.
  • Tôn trọng ý kiến của trẻ, sử dụng ý kiến của trẻ để dẫn dắt câu chuyện
  • Tạo điều kiện và khuyến khích trẻ đoán trước nội dung câu chuyện
  • Sử dụng các hoạt động hình thể và âm thanh khác lạ để làm câu chuyện thêm hấp dẫn (âm nhạc, đổi giọng, nhảy múa, …)
  • Giới thiệu tên tác giả, tên hoạ sĩ và nếu được giới thiệu đôi chút về tác giả và hoạ sĩ của cuốn sách.
  • Nên dành thời gian, ít nhất 15-20 phút mỗi ngày, để đọc cho trẻ, kể cả khi trẻ đã có thể tự đọc sách một mình.

Fluency

  • “Fluency” bao gồm tới 4 yếu tố khác nhau: chính xác (đọc và phát âm chính xác), tốc độ (đọc với tốc độ vừa phải), diễn cảm (biểu lộ được cảm xúc qua ngữ điệu khi đọc), hiểu (trẻ hiểu điều mà trẻ đang đọc).
  • Giúp trẻ phân biệt “word” và “sound”: cho trẻ đọc từng từ thật chậm để trẻ có thể nhận biết các âm trong từ đó.
  • Tận dụng những từ đồng âm để giúp trẻ vừa xây dựng vốn từ, vừa quen với các âm thường gặp. Có thể chơi trò “xoá chi tiết”: vẽ hình trên bảng, đọc từng từ đã chọn sẵn và yêu cầu trẻ xoá chi tiết trên hình vẽ có âm giống từ mà bạn đọc.
  • Giúp trẻ học chữ qua các trò chơi trên bảng từ. Một trò chơi đơn giản là chọn một từ bất kỳ (nhưng không cho trẻ biết), ví dụ: campaign, xáo trộn các chữ cái của từ đó và gắn lên bảng từ. Sau đó yêu cầu trẻ dùng các chữ cái đó để tạo ra các từ khác đơn giản hơn (ví dụ: can, cap, nap, pan). Tăng dần độ phức tạp và cuối cùng để trẻ đoán được từ ban đầu là từ gì.
  • Giúp trẻ đọc không phải bắt đầu từ việc đọc chữ. Trẻ tập đọc bằng cách kể chuyện từ những gì trẻ thấy và nghe. Ban đầu chọn sách chỉ có tranh mà không có chữ, để trẻ kể tự do những câu chuyện mà trẻ nghĩ ra từ các bức tranh. Sau đó mới chọn sách có tranh và chữ. Khi đọc cho trẻ hoặc để trẻ đọc thì dùng tay hoặc bút hoặc bất kỳ vật nhọn nào chỉ vào từng từ khi đọc.
  • Để tăng tốc độ đọc, yêu cầu trẻ đọc đi đọc lại những câu chuyện quen thuộc với tốc độ tăng dần.
  • Nên thực hành thường xuyên tại nhà, nhưng không nên ép buộc mà tuỳ tình huống cụ thể và sở thích của trẻ. Làm sao cho trẻ cảm thấy thích thú với những giây phút tương tác như vậy.

Học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai

  • Lời khuyên mà cô giáo dành cho cha mẹ không phải là người bản địa là tận dụng thời gian tại nhà để giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình (đọc, nghe, nói, viết). Trẻ hoàn toàn có thể ứng dụng những kỹ năng có được khi sử dụng tiếng mẹ đẻ sang việc sử dụng tiếng Anh.

Tận dụng thư viện

  • Thư viện ở đây có rất nhiều sách và các hoạt động liên quan rất hữu ích cho việc phát triển niềm yêu thích đọc sách, trí tò mò và sự độc lập ở trẻ.

Tập cho trẻ bình luận về sách, tìm kiếm và sử dụng thông tin có trách nhiệm

  • Nên tập cho trẻ thảo luận và nêu quan điểm của trẻ về những cuốn sách, câu chuyện mà trẻ đọc.
  • Nên quan tâm đến việc tập cho trẻ biết tìm kiếm thông tin từ sách (giống như hồi cứu y văn :-))
  • Cần quan tâm đến việc tập cho trẻ biết sử dụng thông tin một cách có trách nhiệm, ngay từ lúc trẻ bắt đầu tập đọc. Bằng cách giới thiệu cho trẻ về tác giả/hoạ sĩ/những người đã tạo ra những cuốn sách mà trẻ đọc, hướng dẫn trẻ biết ghi nhận lại những thông tin mà trẻ tìm thấy là từ những nguồn nào, tác giả là ai.